top of page
Post: Blog2 Custom Feed

THE GODFATHER” - ÔNG TRÙM THỰC THỤ CỦA NỀN ĐIỆN ẢNH THẾ GIỚI 😎

  • baongocpham2707
  • May 23, 2021
  • 7 min read

Tựa phim: The Godfather Quốc gia: Hoa Kỳ Phát hành: ngày 14 tháng 3 năm 1972 Đạo diễn: Francis Ford Coppola Chấm điểm: 5/5 Người viết: Phạm Nguyễn Bảo Ngọc - sinh viên năm 2 chuyên ngành Biên kịch Điện ảnh & Truyền hình trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM




Gần đây mình có xem lại bộ phim huyền thoại “The Godfather” thế là bài review này ra đời với một sự ngập tràn niềm thích thú. Đã gần 50 năm kể từ ngày phát hành nhưng “The Godfather” vẫn luôn được xem là tượng đài điện ảnh của Hollywood.

"The Godfather” là bộ phim hình sự sản xuất năm 1972 dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo và do Francis Ford Coppola đạo diễn. Phim xoay quanh diễn biến của gia đình mafia gốc Ý Corleone trong những năm 1940. Tại lễ trao giải Oscar bộ phim giành tới 11 đề cử, trong đó chiến thắng tại 3 hạng mục: Phim hay nhất, Nam chính xuất sắc và Kịch bản chuyển thể xuất sắc. Tác phẩm thành công đưa dàn diễn viên trở lại lần nữa trong hai phần tiếp theo năm 1974 và 1990 (Trước “The Godfather”, điện ảnh thế giới chưa có tiền lệ làm phần tiếp theo một bộ phim ăn khách)


Nội dung phim lấy bối cảnh tại New York giữa những năm 1940, nơi thế giới ngầm bị thao túng bởi những gia đình mafia quyền lực. Trong số đó, gia đình Corleone với Don Vito (Marlon Brando thủ vai) lãnh đạo được xếp vào hàng “chiếu trên” trong Ngũ đại gia hùng mạnh lúc bấy giờ. Ngài Vito có ba người con trai và một cô con gái út. Người anh cả Sonny trung thành, mạnh mẽ và theo sát công việc của bố nhưng bản tính nóng nảy, “ruột bỏ ngoài da” nên không thích hợp làm thủ lĩnh, người con thứ Fredo bản tính rụt rè, nhút nhát, yếu đuối nên không được vừa lòng Bố già, riêng cậu út Michael giống Don Vito nhất nhưng lại không muốn liên quan đến chuyện làm ăn của gia đình. Ngoài ra Ông Trùm còn có một người con nuôi là Tom Hagen, một cố vấn viên đắc lực của ông cho mọi phi vụ làm ăn.

Vai diễn ấn tượng nhất không thể không nhắc tới Bố Già Don Vito do Marlon Brando thủ vai. Nói về sự nghiệp diễn xuất và những vai diễn xuất chúng của Marlon Brando, Jack Nicholson nói đùa rằng “chừng nào Marlon Brando còn sống thì không diễn viên nào có thể ngóc đầu lên nỗi.” Đạo diễn tài danh Martin Scorsese còn vinh danh Marlon Brando: “Nghệ thuật diễn xuất có hai cột mốc trước và sau Brando”. Marlon Brando nổi tiếng với kỹ thuật method acting và màn hóa thân thành Bố Già Don Vito đã trở thành kinh điển với vẻ ngoài lạnh lùng, điềm tĩnh, nắm giữ những quy tắc sống về đối nhân xử thế và gia đình. Diễn xuất xuất thần của Marlon Brando đôi lúc còn khiến “hoàng tử tội phạm” Al Pacino dù có khá nhiều đất diễn nhưng vẫn phải chịu lép vế. Bên cạnh đó Al Pacino trong vai cậu con trai út Michael cũng gây ấn tượng với khán giả trong các phân đoạn phức tạp của tâm lý, từ một người không muốn tham gia vào công việc của gia đình đến khi từng bước nối nghiệp con đường của bố.


Bộ phim được xem như “đặc sản” của nước Mỹ khi trong đó là tất cả những gì tinh túy nhất của điện ảnh. Không đơn thuần là bộ phim mafia với những phi vụ chém giết, thủ tiêu lẫn nhau, “The Godfather” mang trong đó những giá trị cốt lõi về gia đình và nguyên tắc sống. Bên cạnh đó, âm thanh, ánh sáng, diễn xuất, bố cục, dàn cảnh,.. của bộ phim cũng xem như tiệm cận của hoàn hảo, đưa “The Godfather” trở thành biểu tượng của bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Mình sẽ phân tích về cảnh mở đầu và một vài chi tiết để có thể thấy rõ ngôn ngữ điện ảnh trong “The Godfather”


Mở đầu là cảnh zoom cận mặt của nhân vật Bonasera, ánh sáng lúc này hạn chế tối đa, vùng tối ở hai hốc mắt và gò má nhân vật như một cái đầu lâu, gợi liên tưởng nhân vật này liên quan đến cái chết. Xem bộ phim ta sẽ biết được rằng Bonasera làm nghề an táng. Nhân vật này có câu thoại “Nước Mỹ giúp tôi trở nên giàu có”. Một người làm nghề an táng mà lại trở nên giàu có chứng tỏ xã hội lúc đó có vấn đề. Qua nghệ thuật quay, ánh sáng và câu nói trên, ta hình dung ra được bối cảnh lúc bấy giờ của bộ phim, một xã hội đầy rẫy cái chết. Đám cưới con gái của ông trùm Don Vito là phân cảnh đầu tiên của bộ phim, một đám cưới được mệnh danh là ”đám cưới đen tối nhất trong lịch sử Hollywood”. Cái đen tối ấy không thể hiện một cách rõ ràng mà được ẩn giấu qua cách dàn cảnh, âm thanh và nhân vật tham dự. Trong đám cưới có một cảnh quay toàn chiếu ra với những dây nhợ chằng chịt phía trên tạo nên hình tam giác. Những sợi dây ấy dễ dàng có thể tháo bỏ với một bộ phim được sản xuất chi phí khủng như vậy nhưng đạo diễn vẫn giữ nguyên là có ý đồ của mình. Hình tam giác trong điện ảnh là thứ hình học mang lại sự nguy hiểm. Các sợi dây tạo ra hình tam giác bao trùm đám cưới như một dự báo về sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân này. Tại đám cưới, các nhân vật cần phải biết tới cũng được giới thiệu đầy đủ, mỗi người đều ít nhất có một khung hình và một lời thoại để khắc họa được tính cách của mình. Các chính trị gia không tham gia vào đám cưới vì như vậy là công khai quan hệ với mafia, cảnh sát cũng chỉ đứng ngoài chứ không thể can thiệp gì vào đám cưới cũng ám chỉ vai trò hết sức mờ nhạt của cảnh sát trong thế giới ngầm.


Nghệ thuật của phim còn được thể hiện qua phân cảnh nhà Corleone tìm ra cách xử lý bọn ám sát Don Vito, kỹ thuật “blocking and staging” mang lại hiệu quả tối đa để thấy rõ sự chuyển biến của Michael, Michael chính thức tham gia vào công việc làm ăn của gia đình.

Ánh sáng là một trong những yếu tố tham gia góp phần thể hiện câu chuyện và nhân vật. Don Vito luôn xuất hiện trong bóng tối thể hiện rõ cái lạnh lùng, đen tối của một Bố Già mafia. Đến khi về hưu, nhân vật bắt đầu xuất hiện với nhiều ánh sáng hơn cho thấy giờ đây Don Vito không còn tham gia vào hoạt động của mafia nữa. Hay như Michael đầu phim được xuất hiện với ánh sáng tự nhiên, chúng ta dễ dàng nhìn thấy khuôn mặt hiền lành của anh thì qua các cảnh sau, khuôn mặt của nhân vật này bắt đầu xuất hiện những mảng màu tối, báo hiệu rõ những thay đổi rõ rệt trên con đường của Michael. Xem kỹ hơn bộ phim có thể thấy trong đám cưới đầu tiên của Michael và cô dâu Apollonia khi cặp đôi đứng trong vòng tròn những người vây quanh chúc mừng. Phía bên nửa vòng tròn Michael đứng mọi người chủ yếu mặc quần áo với gam màu tối, bóng cũng đổ xuống vòng tròn này khiến một nửa bên đấy không có ánh sáng. Trái lại, một nửa vòng tròn bên Apollonia mọi người mặc đồ với gam màu sáng hơn và ánh sáng cũng được chiếu vào. Vòng tròn ấy ngầm báo hiệu đây không phải là đối tượng bạn đời phù hợp với Michael và khi xem bộ phim chúng ta cũng đã biết rõ số phận đáng thương của Apollonia.

Một chi tiết lặp đi lặp lại trong bộ phim là quả cam, sự xuất hiện của nó là một điềm báo cho sự nguy hiểm, thậm chí là cái chết. Bàn ăn của nhân vật đạo diễn được bố trí những quả cam, sau đó thì ông này tỉnh dậy bên cái đầu con ngựa quý của mình, Bố Già Don Vito bị ám sát trong một lần mua cam, ông cũng mất trong vườn cam khi đang chơi đùa với đứa cháu. Nhân vật Sal Tessio tung hứng với quả cam trong buổi tiệc cưới, cuối cùng lại là kẻ phản bội nhà Corleone. Một chi tiết khác là bàn tay, xuất hiện cả trong tên bộ phim. Để ý có thể thấy, trong mọi quyết định của mình Bố Già luôn đưa bàn tay trái lên suy nghĩ. Bàn tay mang nhiều ý nghĩa. Đó là bàn tay chỉ thị, tạo ra quyết định, ám chỉ những ông trùm giật dây, thao túng trong bóng tối. Hơn nữa , bàn tay còn mang ý nghĩa gia đình, nếu bàn tay phải tượng trưng cho công việc thì bàn tay trái tượng trưng cho gia đình, ngụ ý khi đưa ra mọi quyết định thì Don Vito đều nghĩ về gia đình trước nhất, không muốn gia đình bị ảnh hưởng hay thiệt hại điều gì.



“The Godfather” không chỉ mang giá trị về mặt nghệ thuật mà còn mang đến những bài học giá trị về lãnh đạo tổ chức, trong việc đưa ra các quyết định, không xao nhãng mà luôn phải cân bằng các mối quan hệ bạn bè và gia đình. Bộ phim được xem là kim chỉ nam của nam giới và Don Vito trở thành quý ông lý tưởng vượt mọi thời đại, là hình mẫu của các đấng mày râu. Một câu thoại vô cùng nổi tiếng của Ông Trùm Don Vito về sau vẫn giữ nguyên những giá trị “A man who doesn’t spend time with his family can never be a real man” (Một thằng đàn ông mà không dành thời gian cho gia đình thì không phải là một người đàn ông thực thụ) hay như nguyên tắc “Không bàn chuyện công việc trên bàn ăn” cũng cho thấy sự phân định rạch ròi giữa gia đình và công việc. Mặc dù dài đến ba tiếng, tiết tấu chậm rãi, sự quyến rũ của bộ phim đôi khi lại chỉ là cái cách mà các nhân vật nhìn nhau, không một phân đoạn nào, câu thoại nào là thừa thãi. Mãi về sau câu thoại “I'm gonna make him an offer he can't refuse" (Ta sẽ được ra một đề nghị mà hắn không thể chối từ) vẫn khiến người ta rùng mình mỗi khi nghe lại. “The Godfather” xứng đáng được xem là “đỡ đầu” của bộ môn nghệ thuật thứ bảy.



Commentaires


bottom of page