top of page
Post: Blog2 Custom Feed

MÙI ĐU ĐỦ XANH - REVIEW

  • baongocpham2707
  • Apr 11, 2021
  • 5 min read

Updated: May 23, 2021



Mình đến với bộ phim hết sức tình cờ trong một chiều mưa cuối tuần, khi đã kết thúc một tuần học đầy áp lực, bản thân chợt nhớ ra đã lâu lắm rồi chưa thực sự thưởng thức một bộ phim nào dù chuyên ngành học là Biên Kịch, rồi vũ trụ gửi thông điệp đến mình với "Mùa đu đủ xanh" một bộ phim trước đó nghĩ rằng sẽ không hợp với một đứa say mê với những drama, kịch tính trong mấy bộ phim bom tấn . Mà nghĩ thôi kệ, cứ xem vì trước sau gì cũng sẽ học tới, và rồi bạn thấy đấy, bộ phim hay đến mức thúc đẩy một đứa lười như mình viết ra những dòng chia sẻ này đây.


Bối cảnh phim thể hiện Sài Gòn những năm 1951 với những nét hết sức đặc trưng. Thật bất ngờ khi ekip làm phim là người Pháp, bối cảnh phim được quay tại Pháp nhưng cái chất Việt Nam vẫn hiện hữu rất rõ qua từng khung hình. Nếu chỉ dành một từ để nhận xét bộ phim này thì mình sẽ dùng từ "ĐẸP", đẹp đến mức mình vô cùng bất ngờ khi nó được sản xuất khá sớm. những thước phim được thể hiện tỉ mỉ, chỉn chu, thơ mộng đến mức chỉ cần ngẫu nhiên dừng bất kỳ đoạn nào cũng có thể cut ra một tấm ảnh đẹp. Một cái đẹp giản dị, thơ mộng rất Việt Nam mà phải một người yêu và am hiểu quê hương mình lắm mới khắc họa được. Đó chính là thành công của đạo diễn Trần Anh Hùng.



Đi cùng với những thước phim đẹp là những cú lia máy chậm, nhẹ nhàng cùng với lớp lang âm thanh cuộc sống: tiếng chim hót, tiếng gà gáy, tiếng đàn,... tạo nên một cảm giác dễ chịu. Một đứa xem phim chuyên tua như mình lại chẳng dám phí phạm một giây phút nào trước những thứ đang diễn ra trước mắt. Cả những nhân vật trong phim nữa, họ không sỗ sàng, không lia lịa, họ đi đứng chậm rãi, khoan thai, ăn nói, cử chỉ hết sức nhẹ nhàng, nền nã. Xem phim mới nhận ra ồ thì ra người Việt Nam chúng mình đẹp đến thế sao. Vậy nên nếu bạn muốn xem một bộ phim kịch tính, nhiều plot twist thì đây hẳn không phải lựa chọn cho bạn, nhưng nếu muốn một lần đổi gió thì tin mình đi, "Mùa đu đủ xanh" sẽ không làm bạn thất vọng.



Khác với văn học đặc trưng chủ yếu là ngôn ngữ, đặc trưng của điện ảnh là hình ảnh và thật sự đạo diễn Trần Anh Hùng đã thể hiện cực kỳ xuất sắc. Trong phim hầu như rất ít thoại, các nhân vật biểu đạt qua cử chỉ, đôi mắt và hành động, vậy đó mà hàm chứa ý nghĩa nhiều hơn mọi lời nói ra. Như khi cảnh bà chủ của Mùi mở hộp trang sức ra thì thấy chồng mình đã đem đi hết, người ta chỉ đặc tả bàn tay mở hộp, rồi lại đóng hộp, rồi tắt đèn, rồi chui vào mùng. Không có lấy một cảnh quay biểu cảm khuôn mặt đau khổ hay hốt hoảng. Nhưng qua những cảnh đấy, ta thấy được nỗi đau ấy còn ghê gớm hơn, nỗi đau của sự bất lực, của sự im lặng, của sự chấp nhận. Hay như tình cảm của Mùi dành cho Xuyến, cả bộ phim chẳng có lấy một lời thổ lộ tình cảm, nhưng cái cách cô thay quần áo đẹp rồi chỉn chu tóc tai trước khi bưng cơm ra gặp anh, cái cách quan tâm hết sức dịu dàng của Mùi dành cho Khuyến, ta cũng cảm nhận được một tình yêu hết sức trong trẻo, kín đáo của người phụ nữ Việt Nam. Hay như Khuyến cũng có tình cảm ngược lại với Mùi, chỉ với những bức tranh phác họa mà Khuyến vẽ, ta cũng hiểu được tình ý của Khuyến. Cái hay của phim là ở đó, chẳng cần thoại mà ý tứ vẫn cứ được gợi ra. Phim hay là phải như thế.


Phim cũng phơi trần những định kiến xã hội lúc bấy giờ khi phụ nữ luôn phải chịu hy sinh, thiệt thòi còn người đàn ông khi phản bội cũng chẳng thấy mình sai. Ông chủ khi bỏ nhà ra đi thì bà chủ bị người mẹ chồng trách, khi ông trở về thì mừng rỡ, sẵn sàng bán hết mọi thứ để chạy chữa cho ông, hay như nhân vật Khuyến cũng phản bội cô bạn gái hiện tại của mình để đến với Mùi. Ai mà biết sau này số phận của Mùi rồi sẽ giống như bà chủ của mình chăng?


Tình yêu hiện diện ở khắp mọi nơi trong tác phẩm. Đó là tình yêu đầy sự hy sinh, vị tha của bà chủ dành cho ông chủ, tình yêu của bà nội dành cho người chồng đã mất của mình, tình yêu của một ông già đơn phương bà nội, chỉ cần nghe bà vẫn khỏe, được nhìn bà từ xa là đã vui rồi. . Có những tình yêu, mà cùng với thời gian, nó không nhạt phai nhưng người ta đã biến nó thành một tình cảm khác, không cần phải làm gì cho nhau hay đáp lại mà chỉ đơn giản là mong người khác vẫn yên bình. Hay tình cảm của Mùi dành cho Khuyến, vô cùng trong sáng và đầy sự quan tâm. Chẳng có lời yêu nào được nói ra cả mà cứ thế thấm đượm trong những thước phim hết sức lãng mạn.



Một chi tiết vô cùng đặc biệt cho thấy tư duy cực kỳ tiến bộ của nhà làm phim mà mình thích quá chừng, đó là chi tiết Khuyến dạy Mùi học chữ. Đó là một chi tiết vô cùng hiện đại, nó không chỉ là những cảnh quay lãng mạn đầy tình yêu, đó là cử chỉ tôn trọng và bình đẳng mà Khuyến dành cho Mùi, anh muốn cô cũng có tri thức, trở nên văn minh để có thể bình đẳng với mình. Từ đầu đến cuối phim, người phụ nữ luôn thấp hơn đàn ông một bậc, dù là vợ chồng. Phụ nữ là người làm bếp, người ở, luôn tất bật lo chuyện kinh doanh, gánh vác gia đình còn những người đàn ông trong phim chỉ việc nhàn nhã uống trà, sáng tác văn thơ, viết nhạc, lau chùi đàn, đi dạo. Khoảng cách giữa họ quá lớn để có cái gọi là tình yêu và sự tôn trọng, thấu hiểu. Việc Khuyến dạy Mùi học viết không chỉ là một cử chỉ yêu thương bình thường mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, tiến bộ.






Điểm trừ duy nhất của phim có lẽ là giọng nói của các nhân vật. Phim lấy bối cảnh Sài Gòn nhưng hầu hết các nhân vật đều nói giọng Bắc, Mùi khi lớn thì phát âm Tiếng Việt không chuẩn. Đạo diễn Trần Anh Hùng giải thích rằng bởi lúc bấy giờ dàn diễn viên anh có đa số là người Bắc hoặc người Pháp học nói tiếng Việt. nên khó có được giọng nói chuẩn Sài Gòn. Nhưng không sao, mọi thứ khác đã bù trừ cho khuyết điểm này, thậm chí thoại cũng được hạn chế tối đa.




Kết lại bộ phim đem lại cho mình một cảm giác rất chill, nhẹ nhàng đầy thư thái nhưng cũng khiến mình suy tư vì những ẩn ý được gửi gắm trong tác phẩm. Mình hy vọng trong tương lai, các nhà làm phim Việt Nam sẽ mang đến những bộ phim chất lượng như vậy nữa.


Mình vô tình phát hiện bài review này được phân tích theo góc độ học thuật rất hay mà mọi người có thể tham khảo:

Commentaires


bottom of page